Đức hiếu thuận của vua Thuấn
Khi Thuấn còn rất nhỏ thì mẹ qua đời, người cha là Cổ Tẩu (nghĩa là Ông Mù) bị mù hai mắt lấy vợ kế, sinh được người em tên là Tượng. Cha của Thuấn là người ngoan cố không đếm xỉa gì đến nghĩa lý, cộng thêm mẹ kế tính tình hung dữ thô bạo, em trai ngang ngược. Mẹ kế và Tượng được Cổ Tẩu sủng ái, 3 người đều ghét Thuấn, thường xuyên nghĩ cách hạ sát ông.
Một lần, Cổ Tẩu gọi Thuấn sửa kho thóc, đợi đến khi Thuấn leo lên đỉnh kho, Cổ Tẩu liền châm lửa đốt kho thóc. Thuấn cầm hai cái nón lá như con chim nhỏ hạ xuống, Cổ Tẩu không thể hại chết được ông.
Sau này, Cổ Tẩu lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở sâu trong giếng, Cổ Tẩu và Tượng hợp sức lấp đất vào giếng. Tượng vốn cho rằng lần này không thể có sơ suất, sẽ độc chiếm gia sản của Thuấn. Không ngờ Thuấn rất thông minh, khi đào giếng đã đào trước một đường thông ở bên nên đã thoát được ra ngoài. Khi thấy Thuấn trở về nhà, mọi người sợ hãi lắm. Nhưng Thuấn khoan hồng độ lượng vẫn dùng đức báo oán, vẫn hiếu kính cha mẹ, yêu thương em trai như cũ.
Người xưa nói: “Trăm nết hiếu đứng đầu” (nguyên văn: Bách thiện hiếu vi tiên). Năm 20 tuổi, Thuấn nổi tiếng khắp thiên hạ bởi hiếu hạnh. Năm Thuấn 30 tuổi, vua Nghiêu tìm người hiền tài, quần thần khắp nơi đều tiến cử Thuấn.
Vua Nghiêu đã gả con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời cho 9 người con trai sống cùng với Thuấn để quan sát phẩm đức của Thuấn. Nga Hoàng, Nữ Anh đều được đức hạnh của Thuấn cảm hoá, không dám vì thân phận tôn quý mà có thái độ kiêu căng ngạo mạn, đối xử với mọi người đều vô cùng khiêm tốn cung kính. 9 người con trai của vua Nghiêu được Thuấn cảm hóa thấm nhuần một cách vô tri vô giác, cũng đã trở thành những người nhân hậu cẩn thận.
Thuấn đến núi Lịch Sơn cày ruộng, người vùng đó chịu ảnh hưởng của Thuấn cũng trở nên tấm lòng rộng mở, nhường đất làm địa giới ruộng. Thuấn đến đầm Lôi Trạch bắt cá, người Lôi Trạch tranh nhau nhường nơi ở. Thuấn đến bên sông Hoàng Hà làm gốm, đồ gốm ở đó làm ra đều trở nên vô cùng tinh tế. Mọi người đều thích sống cùng với Thuấn. Do đó, những nơi mà ông ở thì chỉ một năm trở thành thôn làng, 2 năm thành thị trấn, 3 năm thành đô thị lớn. Trải qua khảo sát, vua Nghiêu vô cùng hài lòng, đã truyền ngôi vua cho Thuấn.
Vua Thuấn đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, ông tuyên dương giáo dục ngũ thường: cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, anh hiền từ, em cung kính, con hiếu thuận (nguyên văn: phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu). Ông thúc đẩy đạo đức nhân luân, khai sáng nền đạo đức truyền thống các dân tộc Á Đông, trở thành mẫu mực cho muôn đời sau.
Sưu tầm
0 Nhận xét