Sai lầm khi đặt tên thương hiệu - Sử dụng các từ chuyên ngành kỹ thuật quá ngây ngô

 

Sai lầm khi đặt tên thương hiệu - Sử dụng các từ chuyên ngành kỹ thuật quá ngây ngô

Đây là dạng sai lầm gây ảnh hưởng đến rất nhiều công ty - nhất là những công ty kinh doanh các sản phẩm phức tạp như máy tính, server, phần mềm, thiết bị công nghiệp, vân vân... Đừng sử dụng những cái tên nghe “thoang thoảng” như các từ ngữ chuyên ngành kỹ thuật. Không những nó không giúp bạn mang dáng vẻ công nghệ cao, mà cái tên “bập bẹ” những từ kỹ thuật còn trông thật ngớ ngẩn. Ai là người thường mắc sai lầm này? Không phải các kỹ sư hay những người lập trình. Chúng tôi nhận thấy các kỹ sư và người lập trình từ lâu đã biết rằng: nếu họ cứ nói như triết gia thì sẽ chẳng thể hẹn hò được với ai vào tối Thứ Bảy. Rất nhiều người làm kỹ thuật đã học được cách nói chuyện giản dị và giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ “bình dân”

Thường thì những người làm marketing đã phạm sai lầm. Tôi có tiếp cận một số sản phẩm được cáckỹ sư gán cho biệt danh trong quá trình phát triển chúng. Các biệt danh này khi được chỉnh sửa chút ít sẽ trở thành những tên thương hiệu rất hay. Nhưng khi các sản phẩm được tung ra thị trường, chúng lại mang những cái tên không gây cảm hứng và thiếu sự chân thật. Đây được hiểu là sản phẩm của đội ngũ marketing. Sản phẩm tinh vi phức tạp không có nghĩa là nó phải có cái tên phức tạp. Thiết bị kiểm tra e-mail cầm tay đầu tiên trên thế giới là một sản phẩm vô cùng tinh vi, phức tạp, nhưng cái tên của nó thì sao? BlackBerry. Đẹp quá. Siêu máy tính của thế giới cũng là một sản phẩm siêu phức tạp, có cái tên rất giản dị và còn mang vẻ công nghệ thấp: Cray. Còn tên của máy tính đặt trong lòng bàn tay đầu tiên trên thế giới? Palm. Máy tính dùng để chơi game thành công nhất? Alienware. Thiết bị chơi game 64 bit đầu tiên trên thế giới, mạnh đến mức Hoa Kỳ cố gắng thuyết phục Sony đừng bán sang một số quốc gia bởi vì con chip trong sản phẩm này có thể được sử dụng làm hệ thống dẫn đường cho tên lửa, có tên gì nhỉ? PlayStation. Xuất sắc.

Nhiều người nghĩ rằng cái tên mang màu sắc kỹ thuật sẽ tạo nên ấn tượng về công nghệ cao. Thường thì không phải vậy, mà là ngược lại. Loại công ty nào hay sử dụng cái tên nghe hoành tráng? Các tập đoàn, các công ty lớn à? Không đâu, thường thì các công ty nhỏ bé lại sử dụng những cái tên vĩ đại. Tương tự như vậy, nếu bạn có cái tên khoa trương, nghe đầy “mùi kỹ thuật” thì người ta sẽ cho rằng hoặc là sản phẩm của bạn quá phức tạp nên không thể quan tâm, hoặc bạn chỉ là anh chàng cao ngạo, tự tôn quá đáng. Một số người còn có thể cho rằng bạn là kẻ ngớ ngẩn nên chẳng tìm ra được cái tên hay, vậy nên sản phẩm của bạn cũng khó có thể tốt.

Nếu không tin tôi, bạn có thể nhìn qua những sản phẩm phức tạp nhất thế giới hiện đang thành công trên thị trường. Thường thì bạn sẽ thấy những cái tên đều không được tạo ra từ các thuật ngữ chuyên ngành kỹ thuật. Động cơ máy bay phản lực Rolls-Royce. Trực thăng Bell. Máy bay thương mại Gulfstream. Chip máy tính Intel. Board mạch chủ Asus. Đĩa cứng Quantum hoặc Seagate. Điện thoại di động Nokia. Máy in Hewlett-Packard. Thiết bị xây dựng Caterpillar. Thiết bị dùng cho nông trại John Deere. Máy bay ném bom The Stealth. Danh sách cứ thế kéo dài ra.

0 Nhận xét