MỘT THƯƠNG HIỆU MẠNH GIÚP CHO VIỆC LẤY KHÁCH HÀNG DỄ HƠN
Có một điều dễ nhận ra là khách hàng mua các thương hiệu mạnh. Giá cả thì sao nhỉ? Những thương hiệu hàng đầu thường có giá cao hơn 10 đến 15%, nhưng vẫn bán chạy như tôm tươi. Tuy nhiên, vì lý do tài chính mà vẫn có những người mua những thương hiệu giá rẻ hơn. Nhưng tất cả mọi người với ngân sách của mình thì họ sẽ chọn mua sản phẩm nào? Tất nhiên, vẫn là cái có thương hiệu mạnh nhất. Bạn cũng vậy, đúng chưa? Bạn sẽ xem những thương hiệu nào nằm trong phạm vi ngân sách và chọn thương hiệu nào dẫn đầu. Đơn giản là vậy thôi.
Một thương hiệu mạnh là thương hiệu có sự khác biệt hóa cao độ. Nếu một thương hiệu không có sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, nó buộc phải bán giá rẻ. Logic thật dễ hiểu: nếu bạn có lựa chọn để mua với 3 thương hiệu A, B và C và bạn không nhìn thấy sự khác biệt có ích lợi nào giữa các thương hiệu đó, vậy bạn chọn cái nào? Bạn sẽ mua thứ nào rẻ nhất. Nhưng để tìm ra một sự khác biệt thích hợp thật khó khăn nên nhiều công ty thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến.
Nhiều công ty đã cho tôi biết rằng họ đã khác biệt so với các đối thủ bởi vì họ đại diện cho chất lượng, họ cung cấp dịch vụ tốt, họ trân trọng con người của họ. Thật không may, mọi đối thủ của họ đều nói y như thế. Khi tất cả đều tuyên bố cùng một nội dung thì điều đó không còn là sự khác biệt nữa. Ngoài ra, chất lượng, dịch vụ và con người đã trở thành những tiêu chí mà khách hàng luôn trông đợi ở bạn. Để được khách hàng quan tâm, ít nhất bạn cũng phải làm tốt những điều này như các đối thủ của mình. Điều đáng sợ là khoảng cách về chất lượng đã bị thu lại rất ngắn, đến nỗi một sản phẩm “bết” nhất trong bất cứ ngành hàng nào vẫn có thể “chạy tốt”. Ngày nay, khi bạn mua một xe hơi chất lượng thấp thì nó vẫn có thể đưa bạn đi từ điểm A đến điểm B ngon lành! Vậy điều gì ảnh hưởng đến quyết định mua hàng khi mà chất lượng, dịch vụ và con người được xem là những tiêu chí bắt buộc phải có? Đó là thương hiệu. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp bạn lấy được khách hàng dễ dàng hơn.
Theo tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng Robert Cialdini, có hai loại khách hàng - loại khởi xướng và loại bắt chước theo. Số người khởi xướng chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số các người mua. Họ không bị ảnh hưởng bởi những gì mà người khác mua. Họ là những người tạo ra khuynh hướng. 95% còn lại là những người đi theo, bắt chước: họ mua những gì mà người khác đã mua. Về căn bản, điều này nghĩa là có hai loại khách hàng: những người không nhất thiết phải mua sản phẩm từ các thương hiệu dẫn đầu, và những người có xu hướng mua từ các thương hiệu dẫn đầu. Những người thích mua sản phẩm của các thương hiệu dẫn đầu - nghĩa là các thương hiệu mạnh - là đông hơn và vì thế nếu bạn có thương hiệu mạnh thì bạn sẽ dễ dàng lấy được khách hàng hơn.
Nguồn:
Jacky tai
Đặt tên cho thương hiệu
Nguyên tác: Get A Name!
Tác giả: Jacky Tai
Người dịch: Nguyễn Phúc Hoàng
Nhà xuất bản: NXB Trẻ
Nhà phát hành: DTBooks
0 Nhận xét