Vai trò tộc trưởng xưa và nay khác nhau như thế nào?


Vai trò tộc trưởng xưa và nay khác nhau như thế nào?

Ngày xưa việc họ là cứ vào tộc trưởng. Họ lớn có tộc trưởng họ lớn; các chi có trưởng chi . Tộc trưởng có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng. Ruộng hương hoả và tự điền có nhiều thì lễ to, nhà thờ họ lớn, tế khí đầy đủ và ngược lại. Khi vào tế lễ, tộc trưởng đầu còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, các ông chú dẫu cao tuổi vẫn là bồi tế. Nếu nhỏ quá thì một ông chú kế trưởng thay thế, cũng như ông vua trẻ chưa thành niên có phụ chính đại thần.

Thời nay ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, không còn ruộng hương hoả, không còn chế độ thu tô như trước, quyền lợi của tộc trưởng hoặc người thay tộc trưởng, đối với tổ tiên và họ hàng cũng tuỳ thuộc vào nhận thức; tâm tư, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh sinh sống của từng người, không có một chế độ quy định nào ràng buộc. Có nhiều họ, tộc trưởng ngụ cư hoặc không thoát ly công tác ở phương xa cũng không giao (hoặc không giao được) việc họ cho ai. Trong hoàn cảnh đó, việc hương khói tế tự tổ tiên và quan hệ họ hàng bị phế khoáng.

Thể theo nguyện vọng, tâm tư, tình cảm "Uống nước nhớ nguồn", ngày giỗ ngày tết con cháu muốn dâng lên Tổ tiên bát nước, nén hương. Để bổ cứu tình trạng trên nhiều họ đã có sáng kiến thành lập một hội đồng gồm những người có uy tín, nhiệt tình trong họ để chăm lo việc họ. Chưa có một văn bản hay có một tiền lệ nào qui định đó là ban nghi lễ. là hội đồng gia tộc hay hội đồng tộc biểu ...

Trước mắt, họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, đóng vai trò chủ chốt, chứ chưa có một cơ chế nào bảo đảm sự bền vững lâu dài.

Trong thời kỳ kháng chiến con cháu tản mác, nhiều họ bị phế khoáng không còn cơ sở vật chất để chăm lo từ đường hương hoả. Từ sau hoà bình, thống nhất đất nước, một số họ được khôi phục nhưng vì " Duy ý chí ", nên phong trào loé lên một thời gian ngắn rồi lụi dần. Không còn ruộng hương hoả của tổ tiên để lại thì con cháu đóng góp tiền gửi vào quỹ tích kiệm để lẫy lai hàng năm mà lo hương khói. Nhưng rồi do trượt giá, một vài yếu tố khách quan nữa tác động, hương khói cũng nguôi dần. Đó là nỗi lòng trăn trở nhất của những con cháu muốn kế tục sự nghiệp cha ông, muốn làm cho anh linh tổ tiên, cha ông, muốn cho dòng họ ngày càng thành đạt.

Nguồn: Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt (NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2001)

0 Nhận xét