Ở Hội An, vượt ra khỏi khuôn khổ cung đình, hình tượng rồng đã "bay lên" mái đình làng, ẩn mình trong các bình sứ, quấn trên những cột đình, có nơi, rồng trở thành thần gác cửa cho các điện thờ.
Đến Hội An, du khách dễ dàng bắt gặp hình tượng của rồng trong các di tích kiến trúc từ dân dụng đến di tích thờ cúng, tín ngưỡng như Chùa Ông , đình Cẩm Phô, Sơn Phong…
Hình tượng "Lưỡng long tranh châu" (2 rồng đối đầu tranh nhau quả châu) được khắc nổi trên cổng di tích Chùa Ông ở Hội An (Ảnh: Công Bính). |
Qua nhiều năm nghiên cứu về hình tượng rồng trên các di tích kiến trúc ở Hội An, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Hội An, cho rằng đồ án rồng trên mái các di tích có thể xem là đồ án chủ đạo, thiêng liêng của di tích.
Theo nhiều tư liệu cũng như thông qua truyền thuyết dân gian, những đồ án này có ý nghĩa biểu tượng cho sự thái bình thịnh trị, mưa thuận gió hòa.
Hình tượng rồng trên nóc chùa tiền hiền Minh Hương, Hội An (Ảnh: Công Bính). |
Trên mái của rất nhiều các di tích tín ngưỡng cũng thường trang trí đồ án khác liên quan đến rồng, đó là đồ án tứ linh "long, lân, quy, phụng" như các di tích đình Cẩm Phô, lăng Ông ở Cẩm Kim… và nhiều nhà thờ tộc họ.
Đặc biệt, tại di tích Chùa Ông, hình tượng rồng được sử dụng khá nhiều từ trang trí mái đến chạm khắc trên cửa, bia đá.
Hình tượng rồng trên mái Chùa Cầu, Hội An (Ảnh: Công Bính). |
Trong hậu tẩm của các di tích tín ngưỡng ở Hội An thường thờ chữ "Thần", nhưng có nhiều di tích lại đắp hình "long ẩn" rất lớn với dáng vẻ uy nghi hùng dũng như ở đình Sơn Phong, đình ấp An Bang, lăng Thành Hoàng Tân Thành.
"Long ẩn" là hình đầu rồng trực diện vươn ra phía trước, còn phần thân thì lại ẩn tàng trong các đám mây xanh. Ngoài ra, đồ án "long ẩn" còn được sử dụng nhiều trong việc chạm khắc hoặc vẽ trên các khám thờ, bệ thờ.
Ở Hội An, rồng còn được đắp nổi uốn khúc quấn mình trên các trụ cột của di tích như Khổng Tử miếu, chùa Pháp Bảo và ở nhiều nhà thờ tộc họ.
Không riêng gì di tích tín ngưỡng, ở Hội An, hình tượng rồng còn được sử dụng khá nhiều trong các công trình nhà ở dân dụng như các nhà Quân Thắng, Tấn Ký, Triều Phát, 48 Trần Phú, 80 Trần Phú…
Ở những di tích này, rồng thường được chạm trổ ở đầu kèo, vì chồng rường, làm con ke, đầu máng xối… Những hình tượng này một phần làm tăng giá trị thẩm mỹ cho di tích, mặt khác, bày tỏ ước mơ của bao thế hệ sống trong ngôi nhà về sự thịnh vượng, phồn vinh.
Trong các di tích của Phật giáo ở Hội An, hình tượng rồng cũng được sử dụng để trang trí mái, cột, chạm khắc trên các bài vị thờ một cách công phu, sắc sảo.
"Hình tượng rồng đã được người Hội An xưa sử dụng khá nhiều trong những công trình kiến trúc. Bởi có hình tượng rồng mà các di tích ở Hội An đã được tôn thêm phần mỹ lệ, nghiêm trang. Ngoài chức năng trang trí mỹ thuật, những đồ án về rồng còn bày tỏ những ước mơ tươi đẹp trong sáng của người xưa về một cuộc sống hạnh phúc, mưa thuận gió hòa và phồn vinh thịnh đạt", ông Tống Phước Hưng chia sẻ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/tet-2024/hinh-tuong-rong-tren-di-tich-kien-truc-o-hoi-an-20240207144950185.htm
0 Nhận xét