Giao thừa



Giao thừa

Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc Giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tổt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát để cho dân chúng đi đón Giao thừa xem với niềm hân hoan, vui sướng.

Cúng Giao thừa (hay lễ Trừ tịch): Là lễ cúng để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đển

Cúng Giao thừa ngoài trời

Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính. Hết một năm, vị Hành khiển đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển và Phán quan.

Mâm cỗ cúng Giao thừa ở ngoài trời

Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến.

Lễ vật gồm: Chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu hoặc nước và vàng mã.

Lễ Trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "Trừ tịch".

Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc Giao thừa nên còn mang tên là lễ Giao thừa.

Bàn thờ tồ tiên chuẩn bị cho việc cúng Giao thừa

Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc Giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ bao gồm các món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm.

Khi cúng Giao thừa trong nhà, các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ (không cần tất cả, chỉ cần gia chủ và vài ba người nữa), khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Trước khi khấn tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.

Trích 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, Hồng Minh (tổng hợp, biên soạn), Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 127-129.

0 Nhận xét