Các thời kì lịch sử của Ai Cập cổ đại

 

Các thời kì lịch sử của Ai Cập cổ đại

Nhà nước Ai Cập cổ đại ra đời từ cuối thiên niên kỉ IV TCN. Từ đó cho đến năm 525 TCN, theo cách phân chia của Manêtông, tác giả sách Lịch sử Ai Cập, sống vào thế kỉ III TCN, lịch sử Ai Cập cổ đại được chia thành 5 thời kì là Tảo vương quốc, Cổ vương quốc, Trung vương quốc, Tân vương quốc và Hậu kì vương quốc gồm tất cả 31 vương triều.

a) Thời kì Tảo vương quốc (khoảng 3200-3000 TCN)(*)

Vào khoảng nửa sau thiên niên kỉ IV TCN, do sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự phân hóa giàu nghèo, các công xã nông thôn đã liên hiệp lại thành những nhà nước nhỏ đầu tiên gọi là châu. Dần dần, những châu ấy hợp lại thành hai miềnThượng và Hạ Ai Cập. Tiếp đó, qua đấu tranh, hai miền Thượng và Hạ Ai Cập mới thống nhất thành nước Ai Cập. Từ khi nhà nước Ai Cập thống nhất ra đời cho đến khoảng năm 3000 TCN, ở Ai Cập đã trải qua hai vương triều là vương triều I và vương triều II và được gọi chung là thời Tảo vương quốc.

Ngay từ thời kì này, người cổ Ai Cập đã biết sử dụng công cụ bằng đồng đỏ, biết dùng cày và dùng súc vật đế kéo cày. Người đứng đầu nhà nước là một ông vua chuyên chế gọi là Pharaông.

*Những con số này chỉ là tương đối. Hiện nay các tác phẩm khác nhau đã đưa ra những niên đại rất khác nhau về các thời kì lịch sử của Ai Cập cổ đại

b) Thời kì Cổ vương quốc (khoảng 3000-2200 TCN)

Thời kì Cổ vương quốc bao gồm 8 vương triều, từ vương triều III đến vương triều X. Đầu thời Cổ vương quốc, chế độ tập quyền trung ương càng được củng cố, kinh tế cũng phát triển hơn trước. Trên cơ sở ấy, các Pharaông đã huy động sức người sức của để xây dựng cho mình những Kim tự tháp rất đồ sộ. Nhưng từ vương triều V, thế lực của chính quyền trung ương bắt đầu suy giảm, đến vương triều VII, nền thống nhất không duy trì được nữa.

c) Thời kì Trung vương quốc (khoảng 2200-1570 TCN)

Thời kì Trung vương quốc bao gồm 7 vương triều, từ vương triều XI đến vương triều XVII, trong đó, thời kì thống trị của vương triều XI và vương triều XII là thời kì ổn định nhất. Nhưng đến năm 1750 TCN, ở Ai Cập đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa của dân nghèo. Từ đó Ai Cập bị suy yếu. Đến năm 1710 TCN, miền Bắc Ai Cập bị người Híchxốt ở Palextin chinh phục thống trị 140 năm. Trong thời gian ấy, miền Nam Ai Cập cũng phải thần phục vương triều ngoại tộc ấy.

d) Thời kì Tân vương quốc (1570 - khoảng 1100 TCN)

Năm 1570 TCN, người Híchxốt bị đánh đuổi khỏi Ai Cập, đất nước lại được thống nhất, thời Tân vương quốc bắt đầu. Thời kì này gồm 3 vương triều, từ vương triều XVIII đến vương triều XX. Các vua đầu vương triều XVIII tích cực thi hành chính sách xâm lược bên ngoài đã chinh phục được Xyri, Phênixi, Palextin ở châu Á và Libi, Nubi ở châu Phi.

Cuối vương triều XVIII, do thế lực của tầng lớp tăng lữ thờ thần Mặt trời Amôn phát triển quá mạnh, lấn át cả uy quyền của vua, vì vậy, để làm suy yếu thế lực của tầng lớp tăng lữ, vua Ichnatôn đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo, nhưng chính sách cải cách này chỉ được thi hành một thời gian ngắn mà thôi. Về công cụ sản xuất, từ thời Trung vương quốc, đồng thau đã ra đời nhưng chất lượng còn kém và còn ít. Đến thời Tân vương quốc, đồng thau mới được sử dụng rộng rãi, đồng thời sắt đã bắt đầu xuất hiện nhưng còn rất hiếm. Sau vương triều XVIII, Ai Cập ngày càng suy yếu.

e) Ai Cập từ thế kỉ X - I TCN

Từ thế kỉ X TCN, Ai Cập hết bị chia cắt lại bị ngoại tộc thống trị. Đặc biệt, từ năm 525 TCN, Ai Cập bị nhập vào đế quốc Ba Tư ở Tây Á. Năm 332 TCN, Ai Cập bị Alếchxăngđrơ ở Makêđônia chinh phục. Sau khi đế quốc Makêđônia tan rã, Ai Cập thuộc quyền thống trị của một vương triều Hy Lạp gọi làvương triều Ptôlêmê (305-30 TCN). Đến năm 30 TCN, Ai Cập thành một tỉnh của đế quốc La Mã.

Trích Lịch sử văn minh thế giới (Vũ Dương Ninh), NXB giáo dục Việt Nam.

0 Nhận xét